Kháng sinh được bán bừa bãi ở Việt Nam
(Theo: Dantri.com)Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), không ở đâu mua thuốc kháng sinh dễ như tại Việt Nam. Ngay ở cổng Bộ Y tế, bước ra mấy mét có thể mua bất cứ loại kháng sinh nào mà không cần có đơn của bác sĩ.
Bên lề sự kiện họp báo Tuần lễ truyền thông về phóng chống kháng thuốc diễn ra sáng 16/11 tại Hà Nội, PGS Khuê phân tích về các nguyên nhân gây kháng thuốc tại Việt Nam, trong đó có căn nguyên do việc mua bán kháng sinh quá dễ dàng.
“Ngay cổng Bộ Y tế, bước ra mấy mét thôi muốn mua kháng sinh nào cũng được bán mà không phải trình đơn hay bất cứ giấy tờ chứng nhận bác sĩ kê đơn”, PGS Khuê nói.
Cũng theo ông Khuê, việc sử dụng kháng sinh tại các bệnh viện là khá nghiêm ngặt. Thế nhưng ở trên thị trường, ai cũng có thể mua kháng sinh mà không cần đơn. Người Việt vẫn tồn tại tư duy có bệnh ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống vài ngày không đỡ mới tính tiếp, mà đỡ rồi thì khỏi đi bác sĩ.
Về vấn đề tùy tiện sử dụng kháng sinh, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) chia sẻ, ông đi nhiều nước trên thế giới và không đâu lại bán kháng sinh dễ dàng như ở Việt Nam. “Đi mua kháng sinh, loại thuốc được mệnh danh là “vũ khí” tiêu diệt các bệnh lý nhiễm khuẩn mà dễ hơn cả mua… rau. Thích mua loại nào cũng được, liều dùng bao lâu cũng vô tư. Uống thì cũng tùy tiện như khi mua. Đang uống 1 – 2 hôm bệnh đỡ là có thể tự bỏ. 2 – 3 hôm không đỡ lại đi mua kháng sinh khác. Sự tùy tiện trong sử dụng kháng sinh là một nguyên nhân rất lớn góp phần tăng tỷ lệ kháng thuốc”, TS Dũng nói.
Cùng quan điểm này, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, chính sự nhận thức về thuốc, về kháng thuốc còn hạn chế dẫn đến việc mua bán kháng sinh vô cùng phổ biến. Dù có quy định chỉ bán kháng sinh khi có đơn, nhưng sai phạm này vẫn được phát hiện rất phổ biến. “Có kiểm tra phát hiện nhưng chế tài xử phạt thấp, bán kháng sinh thu tiền triệu, xử phạt thì thấp nên răn đe khó”.
Theo một thống kê, có đến 88% kháng sinh tại thành thị và hơn 90% kháng sinh ở vùng nông thôn được bán ra mà không cần đơn.
Trong khi đó, tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam là một vấn đề đáng lo ngại. Theo một một nghiên cứu vào năm 2013 của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Oxrford về tỷ lệ vi khuẩn E.coli kháng với kháng sinh carbapenem cũng rất cao. Trong số 26 nước báo cáo thì tỷ lệ kháng cao nhất tại Ấn Độ 11%, Việt Nam đứng thứ 2 là 9%, sau đó đến Bulgaria. Tỷ lệ khuẩn này kháng với kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 lên đến hơn 60%.
Tại cuộc họp, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra những thông tin về kháng thuốc khiến giới chuyên môn giật mình. Ví như khuẩn E.Coli trước vốn rất nhạy với kháng sinh thế hệ thứ 3 nhưng nay dùng kháng sinh này không còn nhiều hiệu quả, khó tiêu diệt được E.Coli. Hay với vi khuẩn gây viêm phổi klebsiella hiện nay đã kháng kháng sinh ở thế hệ thứ 3. Kháng sinh này vốn được coi như vũ khí cuối cùng để điều trị nhiễm khuẩn này thì nay cũng không còn nhiều tác dụng.
Theo TS Khuê, nói dễ hiểu nhất, kháng kháng sinh tức là đến lúc bị bệnh lý nhiễm khuẩn nhưng kháng sinh không còn tiêu diệt được vi khuẩn đó bởi nhờn thuốc, không có thuốc chữa cho người bệnh. Trong khi đó, lịch sử sáng chế kháng sinh và quá trình phát triển của nó cho thấy tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp so với mức độ gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc. Theo đó, những năm 1940 kháng sinh đầu tiên được phát minh là penicillin nhưng chỉ 10 năm sau đã xuất hiện vi khuẩn kháng loại thuốc này.
Trong giai đoạn từ năm 1983 đến 1987, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh và từ năm 2008 đến nay gần như không có kháng sinh mới nào được tìm ra. Trong khi đó, các báo cáo về vi khuẩn kháng các loại kháng sinh cũ ngày càng tăng lên. Sự xuất hiện của các “siêu vi khuẩn” kháng kháng sinh khiến thế giới lo ngại, bởi siêu vi khuẩn là loại vi khuẩn có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét